Friday, April 19, 2024

Mô hình Trung Quốc “thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (Phần hai)

 Bình luận của Doãn An Nhiên

Mô hình Trung Quốc “thoái trào”, Việt Nam  học hỏi thế nào? (Phần hai)Một người bán hàng ở Hà Nội hôm 11/10/2023 (minh họa)

Trong phần một, gắn với chuyến công du dài ngày đến Trung Quốc của ông Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam sự chia sẻ quan điểm về “mô hình Trung Quốc” đang ở vào giai đoạn “thoái trào” của “chu kỳ lớn”, theo cách gọi của Raymond Dalio, được trình bày. Phần hai này sẽ nêu ý nghĩa của “vấn đề” mô hình Trung Quốc thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt cần thiết phải thấu hiểu hơn về việc giới lãnh đạo hai nước, một “cộng đồng chung” mà Trung Quốc mong muốn, cùng chia sẻ tương lai thế nào trong trật tự thế giới mới?

Trong buổi gặp với ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Tập Cận Bình khuyên ‘người anh em’ Việt Nam sử dụng ‘trí tuệ chính trị’[1] (tiếng Trung giản thể là “知识分子政治”, tiếng Anh là “political wisdom”) trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông và, khi hai nước “núi liền núi, sông liền sông” với cam kết “chia sẻ tương lai chung.”

Đường lối Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CS) được khởi xướng năm 1986 chính thức tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng. Đây là quyết định chính sách đột phá trước những thách thức lớn về kinh tế và chính trị đe dọa sự tồn vong của chế độ Đảng CS toàn trị theo mô hình Liên Xô với cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu. Về bản chất, ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH) và những ảnh hưởng từ thực tế “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã xác quyết đường lối Đổi mới. Giới lãnh đạo Việt Nam đã ‘gạt sang bên’ những xung đột căng thẳng, thậm chí là chiến tranh năm 1979, nói chung về chủ quyền biên giới phía Bắc và lãnh hải ở biển Đông để theo đuổi đường lối này. Mặc dù không ‘thần kỳ’ như Trung Quốc, nhưng những thành công kinh tế là rõ rệt, cụ thể tốc độ tăng trưởng tương đối cao và xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, với lợi thế của một nước đi sau, Việt Nam đã không sử dụng đủ những cơ hội để phát triển vì bị ý thức hệ giáo điều níu kéo và ‘tính thực dụng’ chỉ được phát huy hạn chế, muộn mằn kiểu như chính sách “ngoại giao cây tre”.

Giới lý luận “cung đình” nhận thức, đại thể, thế này[2] về chính sách “cải cách và mở cửa” nói riêng và về mô hình Trung Quốc nói chung, trong đó nhấn mạnh về quá trình phát triển lý luận “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” được hình thành và hoàn thiện theo tiến trình thay đổi của thực tiễn cuộc sống! Quá trình này được chia thành bốn giai đoạn: một là, Lý luận Đặng Tiểu Bình; hai là, Tư tưởng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân; ba là, Quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào; bốn là, Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình.

Ông Đặng Tiểu Bình được ca ngợi vì đã ‘mưu lược’ ứng dụng triết lý thực dụng trong duy trì sự cai trị của chế độ Đảng CS Trung Quốc đồng thời thúc đẩy cải cách phát triển đất nước. Nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc, lý luận thực dụng được thể hiện với tư cách là đường lối của Đảng dựa trên chủ nghĩa Mác; Với tư cách là chế độ chính trị; Và, với tư cách là sự nghiệp chính trị của hệ thống. Những thế hệ lãnh đạo tiếp theo thúc đẩy tư tưởng này. Chẳng hạn, Giang Trạch Dân nêu thuyết “Ba đại diện”: đó là đại diện cho yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho xu hướng tiến lên của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích căn bản của toàn thể quần chúng nhân dân. Đến Hồ Cẩm Đào với quan điểm được ‘đúc kết’ hai thời kỳ trước và cho rằng cần thiết phải nắm được quy luật phát triển, lấy dân làm gốc, phát triển cần toàn diện, hài hòa và bền vững. Tập Cận Bình đã nâng tầm cá nhân lên thành “hạt nhân” dân tộc, viết lại lịch sử đảng ngoài việc biện minh cho chủ nghĩa Mác, giải thích theo nhãn quan lãnh tụ Đảng CS về nhân dân và các quy luật phát triển xã hội...

Không khó để quan sát “lý luận” Đảng đang ‘yếu dần’ bởi luận cứ, xa dần kinh điển chủ nghĩa Mác và thực tế ‘xã hội chủ nghĩa’… Đến thời Tập Cận Bình, như đã biết, diễn ra sự thay đổi bước ngoặt về chính sách và quyền lực. Sự trỗi dậy trở nên hung hăng, dần kết thúc chính sách thực dụng, với những thái độ hận thù “trăm năm quốc sỉ”, ý tưởng khủng về “một vành đai một con đường”, bất chấp luật pháp quốc tế như “đường lưỡi bò mười đoạn”… và, hơn thế, ảo tưởng sức mạnh quyền lực cá nhân tuyệt đối. Ông Tập Cận Bình thấy không đủ thời gian để hiện thực hoá các ý tưởng khi bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ 10 năm và, đã nỗ lực ở lại, có thể là ‘suốt đời,’ để theo đuổi chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.

Theo bài viết[2] trên trang Tạp chí Cộng sản, thì những gì được hàm ý cho Việt Nam? Gồm: “Một là, phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, sáng tạo lý luận là trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang của Đảng.” “Hai là, đổi mới tư duy, nghiên cứu phát triển lý luận mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.” “Ba là, phải luôn quán triệt tư tưởng, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường phát triển của Việt Nam.” “Bốn là, cần tăng cường đi sâu nghiên cứu phát triển lý luận mới để làm sâu sắc hơn những luận điểm về: 1- Hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam; 2- Con đường tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; 3- Chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.” Tác giả gọi đó là bốn “gợi mở” nhưng thực ra là những yêu cầu và nhiệm vụ đối với Đảng phải cụ thể hoá “mô hình Trung Quốc” trong điều kiện Việt Nam.

Viết đến đây, chợt nhớ đến nhà lý luận “cung đình” Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, như trong phần một cũng đã giới thiệu qua rằng ông ấy hiện là Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (tương tự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc), nhân vật quan trọng thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CS TQ, người cũng đã tiếp ông Huệ trong chuyến đi vừa nêu ở trên. Ông Vương làm quân sư cho ba đời Tổng bí thư và thăng tiến trong sự nghiệp chính trị khởi đầu với những nghiên cứu như “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ” (Huning Wang, America against America. 1990)[3]. Cuốn sách này là nỗ lực của ông ấy với tư cách học giả nhằm giải thích những lý do đằng sau sự thành công của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, đồng thời đưa ra quan điểm phê phán về các vấn đề cơ cấu khác nhau mà Hoa Kỳ đã phải đối mặt trong những năm 1990. Đó là một góc nhìn về lý do tại sao Hoa Kỳ có khả năng hướng tới sự suy thoái… Cùng với ông ấy, giới lý luận cung đình Trung quốc cũng đã góp phần không nhỏ trong việc biện minh cho lý luận về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Ngoài ra, vượt ra khỏi không gian Trung Quốc, cái gọi là “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”[4] cũng có dấu ấn của họ.

“Mô hình Trung Quốc” thấm đẫm tinh thần ý thức hệ chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam không thể buông bỏ bởi sự tương đồng về chế độ chính trị. Đường lối Đổi mới sắp trải qua 40 năm nhưng sự sáng tạo trong vận dụng cụ thể vào thực tế là gì vẫn là câu hỏi đối với giới lý luận cung đình nước nhà. Giới lãnh đạo nhìn tương lai đất nước thế nào? Cách thức tiến tới xã hội chủ nghĩa thế nào và bao giờ? Hơn thế, điều gì sẽ soi sáng cho các chính sách cải cách trong bối cảnh quốc tế phức tạp và biến động khó lường. Và, quan trọng hơn, là trong bối cảnh “mô hình Trung Quốc” đang thoái trào.

______________

Tham khảo:

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo;

[2] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827538/qua-trinh-phat-trien-ly-luan-ve-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-dac-sac-trung-quoc-va-mot-so-goi-mo-doi-voi-viet-nam.aspx;

[3] https://ia801806.us.archive.org/12/items/america-against-america/America%20Against%20America.pdf

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/vcp-prepares-documents-for-14-th-party-congress-part-2-03052024100706.html.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Mô hình Trung Quốc “thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (phần một)

 Bình luận của Doãn An Nhiên

Mô hình Trung Quốc “thoái trào”, Việt Nam học hỏi thế nào? (phần một)Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tại Hà Nội hôm 13/12/2023 (minh họa)

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam), vừa kết thúc chuyến công du gần một tuần đến Trung Quốc. Đây là chuyến thăm chính thức để “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam - Trung Quốc vào tháng 12/2023. Với hơn 40 hoạt động chính thức cấp cao và nhiều hoạt động bên lề phong phú…”[1], ông Huệ được tiếp đón bởi các nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa (Trung Quốc) như ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư - Chủ tịch nước, ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc (tương tự như Quốc hội) và ông Vương Hộ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc) và đi thăm một số địa phương và nhiều tập đoàn kinh tế lớn.

Bối cảnh xã hội dân sự thiếu vắng, kinh tế trầm lắng và chính trị căng thẳng khiến chuyến đi trên có nhiều suy đoán xung quanh. Truyền thông Nhà nước cho biết chuyến đi làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước, để triển khai những văn bản ký kết giữa hai nước trong chuyến đi “chia sẻ tương lai chung” của ông Tập đến Việt Nam hồi cuối năm 2023; Mạng xã hội suy đoán: liên quan đến công tác nhân sự chuẩn bị kế nhiệm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội 14 dự kiến đầu năm 2026? Một chuyến đi dài ngày hiếm thấy của các nguyên thủ quốc gia dưới chế độ dân chủ! Từ góc nhìn chi phí từ tiền thuế của dân và hiệu quả chuyến đi liệu đoàn ông Huệ có học hỏi được gì từ mô hình Trung Quốc đang “thoái trào”?

Mô hình phát triển là cách thức mà quốc gia vận hành và tiến hoá theo thời gian. Mô hình Trung Quốc được coi là bắt đầu từ năm 1978, do Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng từ Hội nghị Trung ương 3 nhiệm kỳ Đại hội khóa 11 và, trải qua năm thế hệ lãnh đạo những nhận thức và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc được đưa ra với triết lý thực dụng và được vận dụng trong thực tế quản trị đất nước rộng lớn với 1,4 tỷ dân. Trong khoảng 30 năm đầu vận hành mô hình được ca ngợi, được coi là lý tưởng cho các nước đang phát triển, và hơn thế với Việt Nam bởi tương đồng về chế độ chính trị. Nó mang lại thành tích tăng trưởng ‘thần kỳ’ với hai con số, từ đó tạo công ăn việc làm, xoá nghèo, đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng… Năm 1980 tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Quốc bằng khoảng 2% của Mỹ thì nay đã gần đuổi kịp, 18 nghìn tỷ đô la so với 25 nghìn tỷ…

Từ sự ‘ngạc nhiên’ về sự kỳ diệu tăng trưởng, Mỹ, phương Tây bắt đầu lo lắng trước sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vô số những nghiên cứu về mô hình và tranh luận sôi nổi, trái chiều, ủng hộ và phê phán, diễn ra. Trong khoảng hơn thập kỷ gần đây, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền tối cao tại Đại hội 18 năm 2012 của Đảng CS và nhà nước Trung Quốc năm 2013 cho đến hiện tại sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn, hướng đến cạnh tranh ngôi bá chủ trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và phức tạp khó lường.

Gần nửa thế kỷ vận hành thời kỳ “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc và tương lai của nó được giới quan sát, nghiên cứu, giới chính trị đặc biệt chú ý. Ở các chế độ dân chủ phương Tây, tự do tư tưởng giúp đa dạng cách nhìn về mô hình Trung Quốc. Một trong những mối quan tâm hàng đầu là vai trò của quốc gia này trong việc làm thay đổi trật tự thế giới. Và, trong số các công trình nghiên cứu xuất bản gần đây, có cuốn bán chạy nhất (New York Times Bestseller): “Các nguyên tắc ứng phó với sự thay đổi trật tự thế giới” (2021)[2] của Raymond Dalio (1949 -). Ông là một nhà đầu tư, quản lý quỹ, và nhà từ thiện người Mỹ, người sáng lập công ty đầu tư Bridwater Associates, một trong số các quỹ đầu tư lớn, làm ăn thành công ở Trung Quốc từ 2011. Ray Dalio nghiên cứu các giai đoạn kinh tế và chính trị hỗn loạn nhất trong lịch sử khi nhận thấy sự hợp lưu của các điều kiện chính trị và kinh tế như: các khoản nợ khổng lồ dẫn đến việc in tiền lớn; xung đột chính trị và xã hội lớn trong mỗi quốc gia bởi sự chênh lệch về tài sản và chia rẽ chính trị trong hơn một thế kỷ qua; và sự “trỗi dậy” của một cường quốc kinh tế thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang thách thức cường quốc số một thế giới hiện tại (Mỹ) đang “thoái trào” để thay đổi trật tự thế giới hiện tại. Ông đã khái quát "Chu kỳ lớn" gồm ba giai đoạn: trỗi dậy, đỉnh cao và thoái trào, đã thúc đẩy thành công và thất bại của tất cả các quốc gia lớn trên thế giới trong suốt lịch sử. Theo ông ấy, những thay đổi theo tính chu kỳ như vậy có thể giúp chúng ta nhìn về tương lai…

Trong cuốn sách của Ray Dalio việc phân tích sự thăng trầm của Hoa Kỳ không gây tranh cãi lắm rằng sau thế chiến 2 Mỹ thiết lập trật tự thế giới mới. Khởi đầu chu kỳ lớn với sự thống trị thương mại, đô-la là đồng tiền dự trữ của thế giới. Tiếp theo cho đến những năm 1970 đó là “thời đại hoàng kim của chủ nghĩa tư bản”, trong đó mọi người đánh cược vào hòa bình và thịnh vượng hơn, vay mượn ngày càng nhiều dẫn đến nợ tư nhân trên GDP bùng nổ. Đến năm 2008 tỷ lệ này đã vượt quá 170%. Hoa Kỳ đã phải in tiền, ‘nới lỏng định lượng’ để cứu lĩnh vực tài chính. Hậu quả là suy thoái kinh tế…  khiến cuộc sống càng khó khăn hơn, gia tăng phân hoá giàu nghèo và bất ổn xã hội, chia rẽ đảng phái trong Quốc hội, cũng như các cuộc biểu tình và bất mãn... Ray Dalio tuyên bố rằng nước Mỹ hiện đang trong giai đoạn “thoái trào” – như một lời cảnh tỉnh trước sự “ngạo mạn” của phương Tây trong nhiều vấn đề toàn cầu!

Tuy nhiên, phân tích của Ray Dalio về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng gây nhiều tranh cãi. Ông đã sử dụng những loại nguồn tư liệu, cách tiếp cận với những tiêu chí tương tự như với thực trạng của Mỹ áp dụng cho Trung Quốc nhưng thiếu định lượng cần thiết để so sánh với một quốc gia với chế độ chuyên chế, độc đảng CS cầm quyền khiến kết luận trở nên ‘không đáng tin cậy’[3]. Những dữ liệu và bằng chứng chỉ ra rằng mô hình Trung Quốc cũng đang ở giai đoạn “thoái trào” của “chu kỳ lớn”. Trung Quốc rõ ràng đã trải qua những bước đầu tiên của chu kỳ. Nó đã trở thành công xưởng của thế giới, một siêu cường thương mại… Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ rất cao, năm 2020 đã là 217%.  Ngoài ra, các vấn đề chênh lệch lớn giàu nghèo, khủng hoảng địa ốc tồi tệ với chính sách hỗ trợ để giải cứu, tỷ lệ cao thất nghiệp thanh niên trong bối cảnh già hoá dân số, giảm phát, vốn đầu tư nước ngoài giảm hơn 70% trong năm 2023... Ngoài ra, xung đột nội bộ căng thẳng qua chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” kết hợp với thanh trừng phe phái, sự bất mãn, sự đàn áp bị che đậy bởi nỗi sợ hãi, sự phục tùng, quyền tự do phổ quát bị cấm…

Những đặc điểm nêu trên chứng tỏ thực tế rằng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “thoái trào” nhưng với biên độ ngắn hơn Mỹ mà thôi. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung giới nghiên cứu và hoạch định chính sách nỗ lực “giải ảo” sự tăng trưởng thần kỳ của mô hình Trung Quốc. Trường hợp điển hình là nhà nghiên cứu khoa học chính trị thuộc Đại học Michigan, tiến sĩ Yuen Yuen Ang đã chỉ ra “thời đại vàng son của Trung Quốc”[4] đang sụp đổ vì tham nhũng làm tha hóa quyền lực tuyệt đối, trong đó nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan. Hơn thế, mới đây trong chuyến công du Trung Quốc ngày 8-9 tháng 4 năm 2024 bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ đã cảnh báo của tới Trung Quốc về 'sự dư thừa năng lực kinh tế'[5] rằng, "Khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm Trung Quốc rẻ tiền giả tạo, khả năng tồn tại của các công ty Mỹ bị đặt câu hỏi" – Bà ấy phát biểu tại Bắc Kinh. Và, theo các nhà phân tích, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu không chỉ khiến nợ công trên GDP của Trung Quốc tăng cao mà còn phức tạp vấn đề khi nó che giấu trợ cấp của nhà nước cho sản xuất dư thừa (‘Economic Overcapacity’) ‘vượt nhu cầu’ của thế giới tạo ra hàng hoá rẻ dẫn đến cạnh tranh không công bằng…

Mô hình kinh tế đang sụp đổ[6] không chỉ bởi xu hướng kinh tế  đang suy giảm nhanh chóng, mà còn do  khủng hoảng cơ cấu, mất cân đối, phi thị trường… đòi hỏi sự thay đổi mạnh về chính sách và thể chế. Hơn thế, chính trị cũng đang khủng hoảng nghiêm trọng khi Tập Cận Bình quay lại chế độ độc đoán[7] hơn bất kỳ giai đoạn nào trong hơn 40 năm qua.

Đặt vấn đề “Mô hình Trung Quốc” có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam cần thiết phải hiểu thấu đáo hơn về giới lãnh đạo hai nước này, “cộng đồng chung” chia sẻ tương lai thế nào trong trật tự thế giới mới?

_____________

Tham khảo: 

[1] https://quochoi.vn/cacvilanhdao/Pages/hoat-dong.aspx?ItemID=86190;

[2] https://www.principles.com/

[3] https://www.youtube.com/watch?v=s1iv0q_SW3E;

[4] https://spia.princeton.edu/events/chinas-gilded-age-paradox-economic-boom-and-vast-corruption-book-talk

[5] https://www.youtube.com/watch?v=fWfOHYo31nA;

[6] https://www.youtube.com/watch?v=3pnrwxfQtIo&t=151s;

[7] https://www.youtube.com/watch?v=5vWCzfX9MI4&t=433s;

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Lê-nin vẫn chưa chết!

 Nguyễn Thị Cỏ May 

Tượng Lenin bị vứt bỏ khi hết thời

Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà xuất bản Pháp tung ra sách mới hoặc in lại sách cũ nhắc lại việc cướp chánh quyền của cộng sản đệ tam (bolchevique) và thiết lập chế độ độc tài toàn trị của Lê-nin ở Nga .

Năm 1945, một nhóm thanh niên Việt Nam, lối năm mươi tên, cũng theo đệ tam (bolchevique), thứ râu ria của Lê-nin, từ miền rừng Việt Bắc kéo về Hà nội cướp chánh quyền của Cụ Trần Trọng Kim, học theo mánh khóe Lê-nin hồi 1917 ở Nga và thiết lập chế độ độc tài ác ôn hiện nay vẫn còn ở Việt Nam.

Nay Pháp tung ra nhiều quyển sách nói về Lénine vì muốn chỉ ra Poutine là sản phẩm tinh ròng của Lê-nin mặc dầu Poutine nhiều lần phê phán Lê-nin sai lầm nghiêm trọng là đã tạo ra nước Ukraine độc lập để ngày nay, Poutine phải mở «cuộc hành quân đặc biệt» để thu hồi. Trái lại, Poutine chủ trương tôn thờ Staline và kết thân với Xi vì cùng ngưỡng mộ Mao sâu xa.

Riêng tuần báo pháp Le Point cho rằng Poutine là Staline cộng với Hitler. Hoặc Poutine là Staline nhưng gian ác hơn Staline nhiều.

Mỗi lần có dịp nói về Lê-nin, Cỏ May tôi không thể không nhớ hồi sau 30/04/75, nhiều tên vc dạy chánh trị cho dân Sài gòn, quả quyết Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đều có họ xa với Lê-nin. Cùng họ . Chúng còn nói rỏ ở ngoài Bắc « Cán bộ chúng tôi đều gọi Bác Lê-nin là Bác Sáu Lê-nin ».

Tên Lê-nin phiên âm theo chữ la-tin (tiếng pháp và cả tiếng việt) là «Vladimir Ilitch Lénine». Viết tắt thành «VI Lê-nin» . Đúng là «Sáu Lê-nin»!

Nói Lê-nin chưa chết vì ngày nay hảy còn lắm tên độc tài cộng sản như Xi, Ủn, Trọng hoặc độc tài mà không cộng sản như Poutine, tất cả đều cai trị rặp theo chủ thuyết Lê-nin.

Lê-nin hay Staline?

Cộng sản Pháp từ những năm 1930 đã từng đặt vấn đề độc tài toàn trị là của Lê-nin hay Staline? Boris Souvarine, lãnh tụ đảng cộng sản Pháp, sau trở thành người chuyên về Staline, phân biệt tách bạch về hai người, Lê-nin và Staline, thì cho rằng chính Staline mới đúng là tên bạo chúa cực kỳ ác ôn. Nhưng sau này, cả người cộng sản, những người có chút suy nghĩ, cũng đã phải thừa nhận chính Lê-nin mới đúng là nguồn gốc của thứ chế độ độc tài toàn trị ác ôn còn tồn tại ngày nay ở Tàu, Việt nam, Bắc hàn, Nga, …

Riêng hai sử gia Alexandre Sumpf và Stéphane Courtois chỉ rõ mọi dự án, suy nghĩ của Lê nin từ khởi đi, và ngay trong thực chất, đều là thứ độc tài toàn trị. Chất độc tài ác ôn đã có trong suy nghĩ của Lê-nin từ trước khi hắn cướp được chánh quyền. Những suy nghĩ từ trong đầu của hắn đã là thứ độc tài rồi. Đảng cộng sản đệ tam được huấn luyện nhuần nhuyễn những mánh khóe cực kỳ xảo trá để cướp chánh quyền của nhơn dân. Khi cướp được chánh quyền vào tay thì dùng kỷ luật sắt và sự gian ác để giữ chặt trong tay và nhờ đó kiểm soát toàn xã hội.

Sử gia Alexandre Sumpf giải thích rõ bản chất độc tài của Lê-nin đã bộc lộ ngay từ lúc lợi dụng cơ hội sau cách mạng 1905, Nga hoàng đã tuyên bố thoái vị, cướp được chánh quyền dân chủ non trẻ, giải tán Quốc hội Lập hiến, đàn áp nông dân nổi dậy, thành lập công an (Tchéka – tiền thân của KGB và ngày nay là FSB) .

Ngoài ra, phải thấy rõ cái ác ôn của Lê-nin chủ trương không phải chỉ giai đoạn, mà nó là thực chất của hệ thống cai trị, của chế độ. Sử gia Stéphane Courtois nhận định rỏ hơn những khác biệt giữa Lê-nin và Staline là thuộc về tầm vóc, về mức độ chớ không phải về bản chất. Vì cả hai đều có chung một bản chất là thứ độc tài cực kỳ ác ôn.

Lê- nin mới là kẻ cực kỳ tàn bạo

Năm 1917, vừa chôm được chánh quyền từ Alexandre Karensky ở Peter-sbourg, Lê-nin liền thiếp lập chế độ độc tài toàn trị cộng sản: dẹp bỏ mọi thứ tự do đã có, lập công an chánh trị, tàn sát kẻ chống đối hoặc không cùng phe cánh, gọi chung là « kẻ thù của nhơn dân », lập trại tập trung, giàn dựng những phiên xử án như Tòa án nhân dân. Hệ thống ác ôn của Lê-nin được Staline thừa kế và mở rộng ra bao trùm gần nửa thế giới trong thế kỷ qua.

Tháng 9 năm 2022, ở Thành phố La Courneuve, ngoại ô Đông-Bắc Paris, cũng như hằng năm, Đảng Cộng sản pháp tổ chức Lễ Hội « Nhơn Đạo » (Fête de L’Humanité) . Người tham dự rất đông . Dĩ nhiên có đủ các đảng phái thuộc cánh Tả của Pháp như đảng Cộng sản, đảng Xã hội chủ nghĩa, đảng Xanh, Pháp bất khuất, Lực lượng Thợ thuyền, Đảng Chống Tư bàn, Đệ Tứ,… . Các tổ chức tham dự đều dựng gian hàng, vừa giới thiệu tổ chức của mình, vừa bán sách báo hoặc sản phẩm của tổ chức để tuyên truyền. Ngoài ra còn có nhiều trò chơi và ăn uống.

Trên những lối đi tại lễ Hội L’ Humanité khai mạc năm 1930, có những pho tượng bán thân và hình ảnh Lê-nin thì nay đều biến mất, được thay thế bằng hình của anh chàng râu xồm Che Guevara, một tên xã hội chủ nghĩa nhưng tay chưa nhuộm máu như Lê-nin.

Suốt thời gian dài Lê-nin như bị bỏ quên, nhưng không phài vì thế mà thoát khỏi bị dư luận phê phán tội ác . Tại Lễ Hội « Nhơn Đao », Ông Philippe Bouyssou, Thị trưởng Thành phố Ivry- sur-Seine, nói về Lê-nin « Mọi người ai cũng thấy Lê-nin là tên độc tài tàn bạo và khát máu đã cướp đoạt chánh quyền của dân chúng . Staline chi có việc mở rộng áp dụng chế độ tàn bạo đã được Lê-nin thiết lập » .

Ông Philippe Bouyssou là đảng viên cộng sản Pháp. Năm 1982, ông gia nhập Đoàn Thanh niên cộng sản. Thành phố Ivry-sur-Seine, sát bên Paris Quận 13, có truyền thống cộng sản. Trước đây, Ông Georges Marrane, bạn Hồ Chí Minh, bố vợ của Cụ Nguyễn Mạnh Hà, Bộ trưởng Kinh tế của Chánh phủ Hồ Chí Minh 1946 (Ông NMH lại không theo cs), làm Thượng Nghị sĩ cs và Thị trưởng Ivry-sur-Seine suốt 36 năm. Nay Công trường thành phố mang tên Marrane.

Ở lều của phái đoàn Liên đoàn cộng sản Tỉnh Val-de-Marne cũng đồng thanh lên tiếng tố cáo « Lê-nin mới đúng là bạo chúa ác ôn dựng lên chế độ công sản được nhiều nước theo » .

Khi vừa nắm quyền ở Nga, Lê-nin liền đua ra tín điều « Hạ những ai chống đối, gán cho chúng là kẻ thù của nhơn dân » ngày nay hảy còn được Poutine, Xi, Trọng nhiệt tình áp dụng triệt để ở nước của họ.

Từ 20 tháng 12 năm 1917, Lê-nin tổ chức Công an chánh trị, có tên Tcheka – Ủy ban Đặc biệc, sau trở thành Guépéou, rồi NKVD và sau cùng là KGB. Tới Poutine đổi thành FSB. Công an của Lê-nin có quyền hạn vô biên, hành động ngoài pháp luật, chỉ biết tuần hành theo lời dạy của Lê-nin mà thôi. Dzerjinski, trùm Công an giải nghĩa « Công an là những người không biét điều gì hiệu quả hơn là cho ngay 1 viên vào đầu kẻ mà mình muốn nó im mồm đi».

Ra đời năm 2017, qua năm sau Công an Tcheka có 120 000 người. Năm 1921, tăng lên 280 000.

Công an đối với dân chúng cực kỳ dã man nhưng những hành động của chúng chưa bao giờ làm cho Lê-nin xúc động vì thấy tội nghiệp cho nạn nhơn. Trái lại, Lê-nin còn ưu đãi Công an hơn những Cơ quan khác.

Trước Đại hội Đảng, Lê-nin dõng dạc tuyên bố «Một người cộng sản uu tú cũng chính là một Công an xuất sắc».

Và nói về việc bảo vệ chế độ cộng sản, Lê-nin dạy « Một chế độ sẵn sàng thực thi khủng bố vô giới hạn thì không thể nào bị lật đổ ” (Simon LEYS, Essais sur la Chine, Robert Laffont, Paris 1998, trg.5) .

Cũng theo Simon LEYS (Essais sur la Chine, trg ), tron g những năm 1965-1969, Mao làm đại cách mạng văn hóa vô sản đã giết trên nửa triệu dân tàu, và qua các cuộc cách mạng, hắn đã giết tất cả hơn 80 triệu dân tàu nhờ áp dụng đúng chủ thuyết giết hàng loạt học được ở Lê-nin .

Năm 1932-1933, Staline, người kế nghiệp Lê-nin, đã cho dân Ukraine (Liên-xô) chết đói từ 4 tới 6 triêu người chỉ trong vòng 9 tháng bằng chánh sách tập thể hóa ruộng đất và tập trung quyền lực .

Ngay từ năm 1920, Lê-nin đã cho lập hằng trăm trại tù tập trung, gọi là « trại cải tạo » và liền có cả trăm ngàn dân nga được đưa vào học tập. Ở Việt Nam, từ thời Việt minh, Hồ Chí Minh cũng học lóm ở Lê-nin, cho tổ chức « Trại Đầm Dùm » ở Thanh hóa, dưới tên gọi hiền lành, dễ thương là « Trại Lao động Tiết kiệm » nhưng thật sự là trại tù, giam nhốt những người có tiền, có ruộng đất, làm công chức cho Tây, bắt họ làm việc cho đảng cộng sản đến gục ngã vì kiệt sức và đói .

Sau 30/04/75, học theo Bác Sáu Lê-nin, cộng sản hà nội lập trại cải tạo trên khắp Việt nam để nhốt hằng 300 000 dân miền nam, cũng bắt họ lao động cực lực, chết đói, chết bịnh không được chửa trị .

Đối vói tôn giáo vốn là thuốc phiện, Lê-nin cho giết hết 8000 tu sĩ Chánh thống giáo, số còn lại cho đi cải tạo và lao động sản xuất . Tiếp theo, năm 1930, Staline cũng gởi tới trại cải tạo hằng ngàn tu sĩ, đóng cửa hết 90% nhà thờ ở vùng quê .

Từ cách mạng Tháng 10, uy tín của Lê-nin trở thành vật thờ phượng mù quán của đảng viên cộng sản . Nhưng nó là một hiện tượng được đảng cộng sản bảo vệ và duy trì . Hình ảnh, tượng đài, bích chương , biểu ngữ, dựng lên, dán trên tường, giăng mắc khắp nơi trong nước .

Trước khi chết, năm 1922, Lê-nin còn giàn dựng lên vụ án 34 cán bộ lãnh đạo đảng vì dám

có ý kiến phê phán đường lối của hắn ta nhưng bị dư luận quôc tế kịch liệt phản đối nên phải

đem đi nhốt . Qua thời Staline, Staline cho đem đi bắn .

Ngày 21 tháng 1 năm 1924, Lê-nin chết nhưng chủ thuyết chánh trị của ông ta vẫn không chết theo hắn, nhứt là chánh sách khủng bố hằng loạt được Staline, Mao, Hồ Chí Minh tiếp tục ân cần áp dụng ở xứ sở của họ vô cùng hũu hiệu : cải cách ruộng đất, cách mạng văn hóa, cải tạo tư sản, tập trung cải tạo, kinh tế mới,…

Lê-nin ở Nghệ an và ở Hà nội

Ở Việt nam, từ Hồ Chí Minh tới nay, đảng cộng sản vẫn bám sát Lê-nin để cai trị và khủng bố, đàn áp nhơn dân, áp dụng lời dạy của Lê nin «Một chế độ sẵn sàng thực thi khủng bố vô giới hạn thì không thể nào bị lật đổ” để bảo vệ chế độ .

Đúng là Sáu Lê-nin chưa chết ở Việt nam ! Ngày 3-4-2024 vừa rồi, Ban Tuyên giáo Nghệ An cho biết nhơn dịp kỷ niệm 154 năm ngày sanh của Sáu Lê-nin, tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk (Nga) sẽ tổ chức lễ khánh thành tượng Lê-nin đặt tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4-2024, trên diện tích 1.036,5m2, bệ cao 3m, bằng thép. Mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “VI LÊ-NIN, 1870-1924”, mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt “Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga”. Tượng đặt ở giữa ngã tư đại lộ Lê-nin với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh.

Nhưng có điều mới lạ là việc dựng tượng Lê-nin ngày nay đã gây nhiều tranh cải ở Trung ương đảng vì họ thấy ở Âu châu, nhiều nước cộng sản củ đang có phong trào hạ bệ tượng đài Mác, Lê-nin và nhứt là Staline . Và những người đưa ra ý kiến phê phán đó chưa thấy bị Công an thanh toán .

Sự phê phán rỏ hơn khi Ts Vũ Thị Phương Anh (trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng), giải thích “Theo tôi không nên nhìn nó nặng về góc độ văn hóa, mà nó phải xét dưới góc độ chính trị. Nó là một biểu tượng chính trị và đại diện cho một chế độ mà người dân thấy mình là nạn nhân cho nên muốn đập bỏ nó đi. Đây là hành động mang tính biểu tượng, thể hiện mong muốn cho mình một chế độ dân chủ hơn”. Theo nhà giáo Vũ Thị Phương Anh, những công trình như tượng đài Lê-nin đang là biểu tượng của một chế độ chính trị, và nó không phải là những công trình hiếm, mà nó có mặt hầu như mọi nơi ở các quốc gia cộng sản cũ ở Liên-xô và Đông Âu. Và nếu người ta không đập ở chỗ này thì họ sẽ dỡ bỏ nó ở chỗ khác… Một ý kiến khác nhìn đơn giản hơn theo hướng thời sự « củi – lò », rằng « không chắc chính quyền tỉnh Nghệ An yêu mến Lê-nin. Vấn đề là kế hoạch thực hiện này được thượng cấp phê duyệt thì thực hiện sẽ có tiền. Bị chỉ trích mà có cơ hội “phết, phẩy” thì vẫn hăm hở làm thôi » (Báo Thời Luận, ngày 11/04/24, Ca, Huê kỳ) .

Cũng chuyện Sáu Lê-nin . Ngày 3/4/2024, Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử và tuyên phạt ông Nguyễn Chí Dũng, 57 tuổi, một cựu quân nhơn chuyên rà phá bom mìn, 5 năm tù ở vì tội đem chất nổ phá hủy tượng Sáu Lê-nin ở Công trường Lê-nin, Hà nội, ngày 8/9/2023, làm bể đít và què cẳng Sáu Lê-nin . Chuyện cực kỳ quan trọng mà báo trong nước không nói rõ ông này ở đơn vị quân đội nào, tại sao làm chuyện động trời đó, mức độ thiệt hại thật sự và dư luận dân chúng phản ứng như thế nào,.. ?

Việc phá hủy tượng Sáu Lê-nin còn nghiêm trọng hơn cho nổ lăng Hồ Chí Minh ở Hà nội nữa vì « Lê-nin là Thầy, là cha, là người lãnh đạo cách mạng việt nam », Hồ Chí Minh viết trên báo như lời ai điếu sau khi Lê- nin chết mà không được dự đám ma trong lúc Hồ đang có mặt ở đó từ 30/06/1923.

Từ trước đến nay, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản không dung tha các hành động phỉ báng lãnh tụ cộng sản hay xúc phạm, hủy hoại các tượng đài của các lãnh tụ của chế độ, mặc dầu trên thế giới nhiều bức tượng Lê-nin ở các nước thuộc Liên-xô cũ đã bị giựt sập kể từ khi khối này tan rã vào năm 1991(VOA).

Gần đây hơn hết ở Ukraine, dân chúng hè nhau kéo Sáu Lê-nin sập xuống, đem vứt sạc .

Ở Việt nam, chúng có dựng tượng Hồ Chí Minh cũng chỉ vì kiếm chút cháo mà thôi. Nay mai đây, dân chúng vì từ lâu, bị công an khủng bố hằng loạt, đến một lúc không còn biết sợ nữa, sẽ noi theo gương sáng của Ukraine và Đông âu, cùng nhau kéo sâp tất cả tượng tên Hồ Chí Minh. Cả cái mả của hắn ở Ba Đình nữa. Để Lê-nin và Hồ cùng chết vĩnh viễn .

Cũng là tất yếu lịch sử thôi!

Nguyễn thị Cỏ May

Ngân Hàng Nhà Nước thừa nhận chuyện bơm tiền giải cứu ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hai ngày sau khi hãng Reuters tiết lộ chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc giải cứu $24 tỷ “chưa có tiền lệ” cho ngân hàng SCB, giới chức Ngân Hàng Nhà Nước thừa nhận có chuyện này nhưng không xác nhận số tiền nêu trên.

Theo báo Tuổi Trẻ, tại cuộc họp báo diễn ra hôm 19 Tháng Tư, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, cho hay cơ quan này có những giải pháp can thiệp vào nhà băng SCB để “đảm bảo sự ổn định cho ngân hàng, ổn định hệ thống và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.”

Ông Đào Minh Tú (đứng), phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, tại cuộc họp báo hôm 19 Tháng Tư. (Hình: Tuổi Trẻ)

“SCB là ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn. Do đó đòi hỏi giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện,” ông Tú nói.

“Chúng tôi tiếp tục xây dựng lộ trình tái cơ cấu từng bước ngân hàng SCB. Nghiên cứu khẩn trương, tích cực tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho SCB từng bước ổn định, phục hồi và hoạt động bình thường,” ông Tú nhấn mạnh.

Theo ông này, việc Ngân Hàng Nhà Nước “cho vay cung ứng tiền,” dù ít hay nhiều đều có “công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra.”

Tuy vậy, ông Đào Minh Tú không đả động gì đến bình luận của Reuters cho rằng chính phủ Việt Nam trong tình thế nếu không bơm tiền cho vay, SCB “sẽ sụp đổ,” nhưng nếu cứ bơm tiền thế này, kho bạc nhà nước “sẽ dần cạn kiệt.”

Trước đó, bản tin hôm 17 Tháng Tư của hãng tin nêu trên tiết lộ rằng khối lượng tiền mặt khổng lồ được Ngân Hàng Nhà Nước bơm vào SCB cho thấy quy mô thiệt hại tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Theo tuyên bố của Ngân Hàng Nhà Nước, dự trữ ngoại hối đạt khoảng $100 tỷ vào hồi cuối năm ngoái. Tuy vậy, tính đến đầu Tháng Tư, cơ quan này đã phải bơm $24 tỷ “khoản vay đặc biệt” vào SCB.

Theo các tài liệu mà Reuters thu thập được, tốc độ bơm tiền vào SCB hiện đã “chậm lại một chút” nhưng đạt bình quân hơn $900 triệu mỗi tháng trong vòng năm tháng qua.

Đáng lưu ý, khoản bơm tiền mặt vào SCB được ghi nhận lên tới 5.6% sản lượng kinh tế hằng năm và tương đương 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngân Hàng Nhà Nước đưa SCB vào diện giám sát đặc biệt để ngăn chặn tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan hồi Tháng Mười, 2022.

SCB được ghi nhận sử dụng số tiền được bơm vào để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một báo cáo mà nhà băng này gửi Ngân Hàng Nhà Nước hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

Sau khi bị Ngân Hàng Nhà Nước kiểm soát, lượng tiền gửi tiết kiệm tại SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng $6 tỷ, tính đến Tháng Mười Hai cùng năm.

Một phòng giao dịch của ngân hàng SCB. (Hình: Tuổi Trẻ)

Dự báo với tốc độ hiện tại, SCB có thể hết sạch lượng tiền gửi của khách hàng vào giữa năm nay trong lúc nợ xấu đã tăng lên 97% dư nợ tín dụng của nhà băng này.

Theo phán quyết của Tòa Án ở Sài Gòn mới đây, ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và do bà này nắm quyền kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động tín dụng. (N.H.K)

Sài Gòn bắt giữ băng nhóm lừa đảo ‘tặng quà đắt tiền’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một băng nhóm gồm 56 nghi can vừa bị bắt ở Sài Gòn với cáo buộc gọi điện lừa đảo “tặng quà đắt tiền” để khiến con mồi sập bẫy.

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 19 Tháng Tư, nghi can cầm đầu băng nhóm này là Lê Đức Kông, 35 tuổi, cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng Nhung, điều hành hoạt động lừa đảo.

Nghi can Lê Đức Kông (phải) khi bị bắt. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo hồ sơ của Công An Quận 11, Sài Gòn, vợ chồng nghi can Kông thuê nhân viên làm việc tại các căn hộ hai chung cư Richstar 2 và Carilon 5 đều ở quận Tân Phú.

Các căn hộ được lắp đặt sẵn các thiết bị như máy vi tính, điện thoại có kết nối các đầu số ảo, danh sách số điện thoại, “kịch bản lừa đảo”… để nhân viên gọi điện bằng tổng đài ảo (cuộc gọi được mã hóa, số điện thoại hiển thị là số điện thoại không có thật).

Khi nhận cuộc gọi, các nạn nhân được thông báo rằng mình là “khách hàng may mắn” được tặng thưởng xe gắn máy, điện thoại di động…

Tuy vậy, trước khi nhận quà, họ phải mua sản phẩm do nhóm này bán để “nhận mã trúng thưởng” hoặc phải nộp một số tiền gọi là “chi phí nhận quà.”

Khi các nạn nhân đồng ý mua sản phẩm hoặc nộp tiền, các nghi can đóng gói hàng hóa, làm giả thông tin trúng thưởng để gửi cho nạn nhân nhờ dịch vụ giao hàng thu giùm tiền (COD).

Phiếu giao hàng thể hiện bên gửi hàng là “Trung tâm mua sắm trực tuyến phần mềm Quang Trung” hoặc “công ty Thương Mại Dịch Vụ Giải Pháp Helmets.”

Các nạn nhân tiếp tục bị nghi can dụ dỗ đóng thêm các loại “phí” khác cho đến khi họ không còn khả năng đóng thêm tiền trước khi bị chặn liên lạc.

Mỗi thuộc cấp của vợ chồng nghi can Kông được ghi nhận thực hiện khoảng 300 cuộc gọi mỗi ngày để giăng bẫy con mồi.

Các nghi can trong băng nhóm lừa đảo. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ngoài lương tháng, các nghi can được “thưởng” thêm tùy theo số tiền mà họ lừa được các nạn nhân.

Công An Quận 11 cáo buộc rằng băng nhóm này lừa đảo hàng ngàn người tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, thu được hơn 2 tỷ đồng ($78,577) mỗi tháng.

Hiện công an đang kêu gọi nạn nhân của băng nhóm nêu trên trình báo để mở rộng điều tra vụ án. (N.H.K)

Lừa hơn $39 triệu, 2 sếp tập đoàn Tâm Lộc Phát ở Hà Nội bị bắt

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bị can Nguyễn Thị Khuyên, 41 tuổi, tổng giám đốc tập đoàn Tâm Lộc Phát ở Hà Nội, vừa bị bắt, khởi tố cùng người phó Văn Đình Toàn, với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Theo báo VietNamNet hôm 19 Tháng Tư, hai bị can Khuyên và Toàn bị cho là huy động vốn của các nhà đầu tư dưới dạng hợp đồng kinh doanh rồi chiếm đoạt 1,000 tỷ đồng ($39.3 triệu).

Bị can Nguyễn Thị Khuyên (giữa), tổng giám đốc tập đoàn Tâm Lộc Phát, khi bị bắt. (Hình: VietNamNet)

Hồ sơ của Công An Thành Phố Hà Nội cho hay, bị can Khuyên quảng cáo với các nhà đầu tư rằng mình có mô hình công ty kinh doanh siêu thị, công ty sản xuất, kinh doanh quần áo thời trang, đầu tư bất động sản…

Bị can Khuyên và các thuộc cấp hứa hẹn trả tiền môi giới cao cho những người giới thiệu, trả lãi cho nhà đầu tư theo ngày, với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.

Khoảng 50 văn phòng đại diện công ty cấp một của Tâm Lộc Phát được hưởng 15% giá trị hợp đồng ngay khi nhà đầu tư ký hợp đồng; văn phòng nào giới thiệu mở thêm được văn phòng khác thì được hưởng thêm 2% từ các hợp đồng của văn phòng mới thành lập…

Bị can Khuyên được ghi nhận điều hành hoạt động chung của công ty, trong lúc bị can Toàn phụ trách chiến lược phát triển thị trường, tổ chức sự kiện quảng cáo tại nhiều địa phương để thu hút nhà đầu tư.

Các khoản tiền do nhà đầu tư góp vốn, sau khi trích “hoa hồng” cho các văn phòng sẽ được chuyển vào tài khoản của tập đoàn Tâm Lộc Phát và tài khoản cá nhân của bị can Khuyên.

Sau khi trả tiền lãi cho các nhà đầu tư theo thỏa thuận, phần còn lại được bị can Khuyên chi tiêu cá nhân, mua sắm xe hơi, nhà đất, trả lương cho nhân viên.

Bị can Nguyễn Thị Khuyên (trái) và người phó Văn Đình Toàn. (Hình: VietNamNet)

Theo điều tra sơ bộ, từ năm 2019 đến khi bị bắt, bị can Nguyễn Thị Khuyên và các thuộc cấp đã huy động được 5,100 tỷ đồng ($200.4 triệu) từ các nhà đầu tư.

Từ hồi Tháng Chín năm ngoái, tập đoàn Tâm Lộc Phát rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả. (N.H.K)